Đầu năm 2026, nếu không có gì thay đổi, Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam Khoá 14 sẽ khai mạc tại Hà Nội. Do vậy, thời gian còn lại khoảng 10 tháng sẽ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với các lãnh đạo hàng đầu và phe cánh trong Đảng.
Trong bối cảnh, Tổng Bí thư Tô Lâm và phe cánh đang có các bước đi đầy tính toán, với mục tiêu tiến tới kiểm soát trọn vẹn quyền lực trong Đảng, để trở thành Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước theo mô hình nhất thể hóa ở Trung Quốc.
Sau hơn 6 tháng ngồi trên ghế Tổng Bí thư và là Bí thư Quân ủy Trung ương, ông Tô Lâm vẫn chưa thực sự kiểm soát toàn diện được quyền lực, đặc biệt đối với phe quân đội.
Việc Chủ tịch nước Lương Cường không giấu giếm thái độ, và liên tiếp các hành động chống ông Tô Lâm mọi lúc, mọi nơi khi có cơ hội. Theo giới quan sát, trong những ngày đầu Xuân Ất Tỵ năm 2025, ông Lương Cường luôn thực hiện các điều trái ngược 180 độ với ông Tô Lâm và mang tính khiêu khích.
Ngày 7/2 Ủy ban Kiểm tra Trung ương Khóa 13 đã tổ chức bàn giao chính thức chức vụ Chủ nhiệm Ủy ban này cho ông Nguyễn Duy Ngọc.
Đây là một sự kiện có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với Tổng Bí thư Tô Lâm, và phe cánh, đồng thời cũng chính là tiền đề để Tổng Bí thư có thể thâu tóm trọn quyền lực.
Tại sao lại nói như vậy?
Với đặc thù, Quân đội Việt Nam có một hệ thống tư pháp riêng biệt, mà Bộ Công an đơn phương không có đủ thẩm quyền điều tra xử lý. Hơn thế nữa, trong một thời gian tương đối dài, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương là ông Trần Cẩm Tú, vốn là một đối thủ chính trị không ủng hộ ông Tô Lâm.
Cho đến nay, chức vụ Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương được bàn giao chính thức cho ông Nguyễn Duy Ngọc – một tay chân thân tín của ông Tô Lâm, thì Ủy ban này có đủ điều kiện và thẩm quyền điều tra bất kỳ tổ chức Đảng trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương.
Trong tổ chức của Đảng Cộng sản Việt Nam, Ủy ban Kiểm tra Trung ương là cơ quan có vai trò quan trọng trong công cuộc chống tham nhũng. Ủy ban này có quyền quyết định kỷ luật tổ chức đảng và đảng viên lãnh đạo nếu có các hành vi tham nhũng.
Khi có dấu hiệu vi phạm, căn cứ vào hồ sơ điều tra của Bộ Công an, Ủy ban này sẽ tiến hành xác minh, để đưa ra kết luận. Đồng thời đề nghị hình thức xử lý kỷ luật, để Bộ Chính trị và Ban Bí thư ra quyết định cuối cùng.
Những điều vừa kể cho thấy, mối quan hệ giữa Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Bộ Công an có ý nghĩa rất lớn trong việc ra quyết định xử lý kỷ luật các lãnh đạo cấp cao.
Hiện nay, 2 chức vụ đặc biệt quan trọng vừa kể đã chính thức nằm trong tay 2 đệ tử ruột, đồng hương Hưng Yên là các tướng công an Nguyễn Duy Ngọc và Lương Tam Quang.
Đây là cặp đôi “kẻ tung, người hứng” sẽ giúp việc đắc lực cho Tổng Bí thư Tô Lâm, trong việc triệt hạ các đối thủ chính trị cứng đầu. Trong đó khả năng cao sẽ có tên của Chủ tịch nước Lương Cường.
Do đó, việc các lãnh đạo của cơ quan trong hệ thống kiểm tra, điều tra thuộc cùng một phe phái, có thể ảnh hưởng đến tính khách quan. Điều đó có thể xảy ra tình trạng thiên vị, dẫn đến việc xử lý kỷ luật không công bằng, mang tính lợi ích nhóm.
Chủ trương “tinh gọn bộ máy” đã bị ông Tô Lâm lợi dụng như một công cụ để triệt hạ các phe phái trong Đảng. Điều này giúp ông Tô Lâm nhanh chóng loại bỏ các đối thủ chính trị.
Khi quyền lực tập trung vào một nhóm nhỏ, nguy cơ lạm dụng quyền lực để trấn áp đối thủ hoặc phục vụ lợi ích cá nhân tăng lên. Từ đó sẽ tạo ra các nguy cơ tiềm ẩn, và gây ra nhiều hệ lụy nguy hiểm ảnh hưởng tới sự tồn vong của Đảng.
Trà My – Thoibao.de